Kinh tế

Bất chấp tin xấu, "tiền lớn" bất ngờ đổ vào cổ phiếu BIDV

Trước một số tin đồn bất lợi trên thị trường, cổ phiếu mã BID vẫn tiếp tục tăng giá mạnh sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO). Tuy nhiên, càng về nửa sau phiên sáng, biên độ tăng tại mã này lại đang có dấu hiệu thu hẹp lại, cùng với đó là sự giảm nhiệt của VN-Index.

Cụ thể, sau khi chạm tới ngưỡng 938 điểm, tức tăng khoảng 8 điểm vào đầu phiên 29/11, đến 10h30 thì chỉ số VN-Index ở mức 934,66 điểm tương ứng tăng 4,46 điểm (0,48%) với 147 mã tăng so với 101 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực. Ngoại trừ EIB đang sụt giảm thì cổ phiếu ngành này có tới 13 mã tăng và 3 mã đứng giá. Trên UPCom, VIB tăng mạnh 2,1%, LPB tăng 1,1% trong khi ACB cũng tăng 1,4% và tác động tích cực tới HNX-Index. HNX-Index tăng 0,74 điểm tương ứng 0,71% lên 104,84 điểm.

Còn tại HSX, VPB, TPB, HDB, VCB, BID đều có “xanh điểm”. Riêng BID tăng 1,11% lên 31.900 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh mạnh 1,34 triệu cổ phiếu chỉ trong nửa phiên giao dịch sáng trong khi khối lượng giao dịch bình quân trong vòng 1 tuần trở lại đây của mã này chỉ là 1,2 triệu cổ phiếu/ngày.

Thanh khoản tại cổ phiếu BID tăng mạnh trong sáng nay (29/11)

Mới đây, BIDV đã chính thức có tân Chủ tịch HĐQT sau khi “chiếc ghế” này bị bỏ trống suốt 26 tháng qua kể từ thời điểm ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9/2016. Tân chủ tịch BIDV – ông Phan Đức Tú, sinh năm 1964 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông Tú có tới 30 năm công tác tại BIDV, bắt đầu làm việc tại ngân hàng này từ năm 1987 và trải qua nhiều vị trí. Từ tháng 5/2012 đến nay, ông Tú giữ chức Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT BIDV.

Trước đó, BIDV chỉ có người phụ trách hội đồng quản trị, đầu tiên là ông Trần Anh Tuấn và sau đó là ông Bùi Quang Tiên.

Đây là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất và có sở hữu Nhà nước cao nhất. Tính đến cuối quý III/2018, tổng tài sản của BIDV lên tới 1.268.413 tỷ đồng, sở hữu Nhà nước đạt 95,28%.

Về phần ông Trần Bắc Hà, sau khi nghỉ hưu, ông Hà đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ khỏi Đảng vào cuối tháng 6/2018 do những vi phạm được cho là “rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Trong phiên xét xử đại án Phạm Công Danh hồi tháng 7, ông Trần Bắc Hà được yêu cầu triệu tập tham dự với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, ông đã có đơn xin văng mặt vì sang Singapore chữa bệnh, phẫu thuật gan lần thứ 3.

Trong giới doanh nhân, ông Trần Bắc Hà cũng được cho là người bị tung tin đồn bị bắt nhiều lần nhất, và mỗi lần có tin đồn như vậy thì thị trường chứng khoán lại chao đảo. Chẳng hạn như vào tháng 8/2017, tin đồn ông Hà bị bắt đã nhấn chìm thị trường chứng khoán, đặc biệt là khiến cổ phiếu nhóm ngân hàng đỏ lửa. Chỉ trong 1 ngày 9/8, vốn hóa thị trường bốc hơi 1,8 tỷ USD.

Trước đó, vào năm 2013 – thời điểm BIDV chưa niêm yết, tin đồn thất thiệt tương tự liên quan đến ông Hà cũng đã “thổi bay” khoảng 1,6 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, ở thời điểm có vẻ như những thông tin về cựu lãnh đạo ngân hàng này đã ít tác động đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư cũng tỏ ra tỉnh táo, bình tĩnh hơn so với thời kỳ trước.

Biến động giá tại BID khá ổn định trong sáng nay

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP