Trong nước

10 năm “vác tù và”, "cõng" loa phát thanh di động đi tuyên truyền giao thông

Hơn 10 năm qua, người dân trên địa bàn huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông cùng với “bộ đồ nghề” trên chiếc xe máy rong ruổi khắp các đường làng, ngõ xóm để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông tới người dân.

Hơn 10 năm rong ruổi trên “con ngựa sắt”

Người đàn ông mà chúng tôi nhắc đến là ông Phạm Ngọc Chiêng (65 tuổi), xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Gần 14 năm qua, hàng ngày, ông Chiêng điều khiển xe máy chở theo bộ loa phóng thanh cùng lá cờ tổ quốc bay phấp phới, rong ruổi trên khắp các đường làng, ngõ xóm để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và vấn đề an toàn giao thông đến với bà con nhân dân.

Ông Phạm Ngọc Chiêng và công việc thường ngày của mình

Cứ như vậy, suốt những năm qua, hầu như ngày nào ông Chiêng cũng “cưỡi con ngựa sắt” của mình đi làm cái việc được cho là “vác tù và hàng tổng”. Chỉ những khi ốm đau, hay những ngày mưa gió không thể đi được ông mới ở nhà.

Thời điểm chúng tôi đến nhà cũng là lúc ông Chiêng vừa hoàn thành một buổi đi tuyên truyền của mình về. Vừa nói chuyện, ông vừa tranh thủ cắm sạc chiếc bình ắc quy để tiếp tục cho công việc buổi chiều.

Vốn là một cựu chiến binh từng có thời gian công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở quân ngũ, năm 1978, ông trở về quê hương với thương tật 4/4. Năm 2002, ông được đảm nhận nhiệm vụ làm trưởng đài truyền thanh của xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Qua thực tế công việc hàng ngày, ông suy nghĩ và trăn trở về việc nhiều chương trình phát thanh của xã không đến được với người dân ở những vùng xa xôi của địa phương.

Hơn nữa, bản thân từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, từ đó ông trăn trở và suy nghĩ phải làm một việc gì đó để góp phần nâng cao nhận thức của người dân, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đối với bà con nhân dân trên địa bàn.

Như để giúp chúng tôi hiểu hơn về công việc của mình, ông Chiêng chỉ tay về góc sân nơi đang để hệ thống “đài phát thanh di động”, giải thích, mặc dù đã có hệ thống loa phát thanh quốc gia rộng khắp, địa phương có ô tô cổ động... nhưng thời lượng phát sóng bị hạn chế, các đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp, xe ô tô không đến được. Với hi vọng, chiếc xe máy nhỏ gọn của mình sẽ len lỏi đến các đường làng, ngõ xóm để tuyên truyền nên ông đã quyết định làm cái việc mà nhiều người cho là gàn.

Tìm cả trâu, bò lạc...

Nhớ lại những ngày đầu khi chọn công việc này, vì lo cho sức khỏe của ông nên vợ con đã ngăn cản. Có người còn nghĩ ông là “khùng” vì suốt ngày chạy lang thang ngoài đường. Hơn nữa, vấn đề tài liệu về luật an toàn giao thông cũng là một khó khăn với ông. Không phải vì thế mà ông từ bỏ ý tưởng của mình. Dần dần, thấy việc làm của ông Chiêng có nhiều ý nghĩa nên mọi người dần ủng hộ.

Ông Chiêng chuẩn bị đồ nghề cho công việc của mình

Khi nắm bắt được những việc làm tự nguyện đầy ý nghĩa của ông, Công an xã Dân Lực và Công an huyện Triệu Sơn cũng đã cung cấp các văn bản pháp quy về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp ông Chiêng thuận lợi trong việc tuyên truyền.

Thông thường, một ngày làm việc của ông bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc ca làm việc đầu tiên lúc 11h và buổi chiều bắt đầu từ 14h đến 17h. Thường thì ông chỉ tuyên truyền đến các xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn, cũng có lần đi xa cách nhà gần 100 km.

Ông rong ruổi khắp các đường làng, ngõ xóm để tuyên truyền

Để chuyển tải các văn bản pháp luật, chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất khi đến với người dân, ông đã vận dụng những kinh nghiệm ngày còn làm việc trong quân ngũ. Những câu khẩu hiệu như: “Đi xe máy mà lạng lách đánh võng là con đường ngắn nhất đến với tử thần”, “Điều khiển xe máy khi say xỉn là vi phạm Luật Giao thông”, “Đừng để người thân phải gánh vác hậu quả do mình gây ra”... như đã trở thành món ăn tinh thần của người dân địa phương.

Những thông điệp trong các bản tin của ông Chiêng thường nhấn mạnh về những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn hoặc tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để phơi lúa, rơm rạ mỗi vụ mùa, dùng biển che chắn đường, kể cả vấn đề an toàn thực phẩm…Để hiểu quả thông tin của mình đến được với nhiều người cùng lúc, ông Chiêng thường chọn những địa điểm đông người như ngã tư, cổng chợ, trường học...

Với phương châm mưa dầm thấm lâu, việc làm của ông đã góp phần giúp người dân được tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức và ý thức về an toàn giao thông, từ đó giảm thiểu được số vụ tai nạn giao thông và số vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn.

Anh Lê Tuấn Anh (36 tuổi), ở xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn chia sẻ: “Nhiều năm qua, người dân chúng tôi thường thấy một người đàn ông đi xe máy mở loa phát thanh, tuyên truyền. Những lần đầu thấy lạ, nhưng rồi nghe nhiều thành quen và nằm lòng những thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những thông tin về luật an toàn giao thông do ông Chiêng tuyên truyền”.

Người dân địa phương đã quá quen thuộc với hình ảnh của ông

Đối với người dân địa phương, không chỉ được tiếp thu những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà mỗi lần cần tìm lại giấy tờ tùy thân, trâu bò đi lạc đều được ông Chiêng tận tình giúp đỡ.

Ông Nguyễn Quyết Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Dân Lực chia sẻ, nhờ việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong công tác an toàn giao thông nên số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn giảm rõ rệt. Hàng năm, UBND xã trao tặng bằng khen và động viên ông Chiêng cố gắng tiếp tục phát huy công việc của mình.

Ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen

Trung tá Nguyễn Văn Quyền - Trưởng Công an huyện Triệu Sơn cho biết, ông Chiêng là một người rất nhiệt tình trong công tác tuyên truyền luật an toàn giao thông. Việc làm đầy nhiệt huyết và ý nghĩa của ông chính là tấm gương sáng trong công tác tuyên truyền và là mô hình tuyên truyền lưu động đến với người dân một cách nhanh nhất, dễ hiểu và thiết thực nhất.

Với những việc làm ý nghĩa của mình, ông Chiêng vinh dự được Công an tỉnh Thanh Hóa chọn là mô hình tiên tiến trong phong trào vì an ninh tổ quốc. Đồng thời, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân Bảo vệ an ninh tổ quốc giai đoạn 2006 - 2016. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã trao tặng cho ông một chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng để động viên ông Chiêng.

Tác giả bài viết: Phạm Nguyễn - Duy Tuyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP