Trong nước

'Em bế con ra cửa cho anh nhìn mấy phút'

"Lúc tàu chạy qua nhà, tôi thấy vợ ôm con đứng ở bên đường. Nhìn con giơ bàn tay bé xíu vẫy bố, tôi xúc động vô cùng. Chỉ có thế thôi, tôi lại tiếp tục cùng đoàn tàu vào Nam khi đồng hồ đã điểm những giây phút đầu tiên của năm mới"...

Ông Quách Tuấn Anh, Quản đốc tại XN Đầu máy Hà Nội, cho rằng người lái tàu thực ra cũng là nạn nhân trong các vụ tai nạn mình cầm lái. Bởi sau các sự cố ấy, dù không bị tổn thương về người nhưng tâm lý của họ đã có những "vết đen".

Ông Tuấn Anh, người có 11 năm kinh nghiệm lái tàu, cho biết: "Ở một số nước trên thế giới, trường hợp lái tàu gặp phải chấn tâm lý sau tai nạn sẽ được các bác sĩ, chuyên gia tâm lý hỗ trợ để ổn định tinh thần. Sau đấy nếu vẫn không thể tiếp tục cầm lái, họ sẽ được điều chuyển công việc theo mong muốn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành đường sắt mới chỉ làm được bước thứ 2. Tức là sau các sự cố, những người lái tàu không còn cầm lái được, cơ quan sẽ tạo điều kiện cho họ được điều chuyển công việc. Bởi không thể cầm lái nhưng họ vẫn cần một công việc để nuôi sống bản thân, gia đình.

Trường hợp anh N., lái tàu ở XN Đầu máy Hà Nội, là một điển hình. Sau một vụ tai nạn nhiều người tử vong do anh cầm lái, anh đã phải nghỉ phép 2 tuần. Cơ quan cũng đã tạo điều kiện cho anh về làm công tác ở mặt đất. Hiện anh làm công việc kiểm tra, bảo dưỡng tàu".

Một chuyến tàu đêm

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, các lái tàu hàng năm vẫn được kiểm tra sức khỏe và làm các trắc nghiệm nhằm đảm bảo tinh thần, thể chất ổn định để tiếp tục hành trình.

"Điều này là vô cùng quan trọng bởi lái tàu là người cầm giữ sinh mạng của hàng trăm người. Trên hành trình, nếu bị sang chấn về tâm lý, trong khoảnh khắc gặp sự cố, họ sẽ không xử lý kịp. Lúc đó mọi chuyện sẽ cực kỳ nguy hiểm", ông nhấn mạnh.

Không chỉ vấn đề tai nạn giao thông, thời gian cũng là một thử thách đối với các lái tàu. Những người lái tàu cho biết, nhiều khi gia đình, người thân có chuyện họ cũng khó để sắp xếp thời gian về kịp bởi đang phải mải miết theo những chuyến tàu.

Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương kể: "Tôi buồn nhất là ngày bố mất. Năm đó bố tôi ốm yếu đã lâu ngày. Những ngày cuối đời của ông, tôi thấy ông đã yếu nhưng vì công việc tôi vẫn phải lên tàu. Tôi lái chuyến tàu Bắc - Nam, khi đến Huế, tàu đang dừng ở ga thì tôi nhận được điện thoại của chị gái.

Chị tôi hỏi: "Em đang đi đến đâu?". Tôi trả lời và hỏi chị có chuyện gì không thì chị tôi giấu. Chị sợ tôi không ổn định được tâm lý để chạy tiếp.

Chị chỉ nói: "Em đi an toàn rồi về sớm". Lúc về, tôi mới biết bố tôi đã mất trước lúc chị tôi gọi. Tôi tiếc là không để ông được nhìn mặt tôi lần cuối".

Không chỉ thế, khi người ta nghỉ ngơi thì các lái tàu vẫn đi làm. Ông Tuấn Anh tâm sự thêm: "Vào các dịp lễ Tết, người người nhà nhà đi chơi, quây quần bên gia đình thì chúng tôi vẫn vi vu trên các hành trình. Tôi nhớ nhất là kỷ niệm vào đêm 30 Tết. Năm đó, chuẩn bị đến thời khắc giao thừa tôi vẫn phải lái tàu vào Nam.

Lúc gọi điện cho vợ, tôi thấy cô ấy giọng nghèn nghẹn vì khóc. Nhà gần đường tàu mà tôi không về kịp đón giao thừa. Cuối cùng tôi bảo vợ: "Em bế con ra cửa cho anh nhìn mấy phút".

Thế là lúc tàu chạy qua nhà, tôi thấy vợ ôm con đứng ở bên đường. Nhìn con giơ bàn tay bé xíu vẫy bố, tôi xúc động vô cùng. Chỉ có thế thôi, tôi lại tiếp tục cùng đoàn tàu vào Nam khi đồng hồ đã điểm những giây phút của năm mới".

Lái tàu Đoàn Đình Sinh cũng vẫn còn nhớ như in cái cảm giác được vị khách đặc biệt quan tâm trong chuyến tàu Tết từ cách đây nhiều năm trước.

Ông kể: “Hôm đó lái tàu Tết, mấy anh em đang ngồi buồn buồn vì ngày Tết vắng vẻ, khách cũng ít bỗng nhiên có tiếng đập cửa. Tôi mở ra thì nhìn thấy một người quen quen tuy nhiên không ai nhớ ra tên.

Chưa kịp phản ứng thì vị khách hỏi: “Đây có phải chỗ của lái tàu không?”. Một lái tàu trả lời: “Vâng. Cô có vấn đề gì vậy?”.

Vị khách bảo: “Tôi đi biểu diễn ở trong Nam. Tôi ngồi bên toa bên kia nhưng nhìn cảnh tàu thưa thớt, tết nhất ảm đạm, tự nhiên tôi nhớ đến các anh”. Lúc này, cả nhóm lái tàu mới nhận ra người phụ nữ đang đứng trước mặt chính là nghệ sĩ Tường Vi. Mặt ai cũng rạng rỡ hẳn.

Sau đó, trong cuộc trò chuyện, mọi người đề nghị chị hát vì ai cũng muốn được nghe giọng hát của người nghệ sĩ này và chị đã không từ chối. Chị ấy hát một cách say sưa, không cần nhạc, không cần mic khiến chúng tôi cảm động và nhớ mãi đến tận bây giờ”.

Vậy đấy, cuộc đời người lái tàu, bao nhiêu vất vả khổ cực và cả những áp lực chồng chất nhưng chỉ cần một niềm vui nhỏ cũng khiến cho tinh thần của họ trở nên phấn chấn.

Tác giả bài viết: Ngọc Trang - Vũ Lụa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP